Lịch sử hình thành lễ hội Diwali
Diwali, hay còn gọi là lễ hội ánh sáng Diwali, là một trong những sự kiện trọng đại bậc nhất tại Ấn Độ được tổ chức vào khoảng tháng 10 hằng năm. Ngoài là một lễ hội tôn giáo, Diwali còn là một dịp để thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa tôn giáo và văn hóa. Nghĩa đen của Diwali là “một chuỗi những tia sáng”, kéo dài khoảng 5 ngày để tôn vinh chiến thắng huy hoàng của cái thiện trước cái ác và bóng tối.
Kinh Vệ Đà chép lại, ngày xưa Ấn Độ từng là vương quốc Ayodhya. Trong thời gian lưu đày của Hoàng tử Rama (hóa thân của thần Vishnu) và vợ là Sita (hóa thân của nữ thần Lakshmi), Sita từng bị quỷ vương Ravan bắt cóc. Nhờ sự giúp sức của thần khỉ Hanunam mà Rama đã đánh bại quỷ vương và cứu được vợ mình. Đối với một số người theo đạo Hindu, Diwali đánh dấu sự trở lại vương quốc đầy hân hoan của Rama và Sita sau 14 năm lưu vong.
Đó cũng là lý do châm ngọn đèn và nến đã trở thành biểu tượng chính của Diwali. Những hoạt động có trong ngày lễ bao gồm làm sạch, trang trí nhà cửa, trao đổi quà tặng và làm lễ cúng tôn thờ các vị thần. Ngoài ra một yếu tố không thể không nhắc đến chính là bữa tiệc đầy ắp những món ngon truyền thống. Lúc này, người người sẽ mặc trang phục đủ màu sắc và tham gia vào hoạt động vui chơi, nhảy múa, âm nhạc… để đón mừng.
2. Thời gian diễn ra lễ hội Diwali
Lễ hội ánh sáng Diwali được tổ chức hàng năm vào mùa thu, thường rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 11. Thời gian diễn ra khoảng 5 ngày với lễ chính vào ngày thứ ba. Theo kinh nghiệm du lịch Ấn Độ, cụ thể các mốc thời gian như sau:
Dhanteras: Ngày đầu tiên của Diwali thường được đánh dấu bằng cách mua đồ trang sức bằng vàng và bạc, đồ dùng và các đồ gia dụng mới khác để cầu may. Nhiều người cũng sẽ thực hiện dọn dẹp nhà cửa để cầu xin phước lành của Lakshmi, nữ thần giàu có và thịnh vượng. Những người khác thường tôn vinh Dhanvantari, vị thần của Ayurveda và Yamaraj, thần chết vào ngày này.
Choti Diwali, hay Naraka Chaturdashi: Ngày thứ hai của Diwali đánh dấu sự đánh bại của Krishna trước quỷ vương Narakasura. Mọi người thức dậy sớm để tắm và gội đầu, ngoài ra họ cũng dọn dẹp nhà cửa, trang trí bằng rangolis và diyas và chuẩn bị đồ ngọt.
Diwali, hay Lakshmi Puja: Ngày thứ ba của lễ hội Diwali là ngày mà mọi người thường gọi là Diwali. Lúc này các gia đình thường tụ tập để trao đổi quà tặng, thưởng thức những món ăn hảo hạng và thưởng thức đồ ngọt. Nhiều người theo đạo Hindu sẽ thờ nữ thần Lakshmi trong hôm này.
Padwa, hay Govardhan Puja: Ngày này được dành để tôn vinh mối quan hệ giữa vợ và chồng, người có gia đình cũng thường mua một món quà cho vợ/chồng của mình. Theo một số truyền thống, dịp này để kỷ niệm ngày Krishna nâng đồi Govardhan để bảo vệ dân làng Vrindavan khỏi những cơn mưa do cơn giận dữ của Indra gây ra. Một số tín đồ dâng một núi thức ăn cho Krishna để tưởng nhớ, một số thì làm các bức tượng bằng đất sét và phân bò để tái hiện sự kiện này.
Bhai Dooj: Ngày cuối cùng của lễ hội Diwali kỷ niệm tình yêu giữa anh chị em, nhằm tôn vinh mối quan hệ giữa Yama và em gái Yami (hoặc Yamuna). Phụ nữ đôi lúc sẽ đặt một dấu tilak hoặc dấu đỏ lên trán anh trai mình, trong khi anh em sẽ tặng quà cho em gái.
Năm |
Ngày Diwali |
2023 |
Chủ nhật, ngày 12 tháng 11 |
2024 |
Thứ Sáu, ngày 1 tháng 11 |
2025 |
Thứ Hai, ngày 20 tháng 10 |
2026 |
Chủ nhật, ngày 8 tháng 11 |
3. Ý nghĩa và cách tổ chức lễ hội Diwali
3.1 Ý nghĩa của lễ hội ánh sáng Diwali là gì?
Diwali được phần lớn người theo đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Jain và đạo Phật tổ chức, nhưng cũng giống như lễ Giáng sinh, hiện tại dịp này đã được nhiều người ngoại đạo hưởng ứng. Ý nghĩa của lễ hội thường thay đổi tùy theo cộng đồng và khu vực. Một trong những truyền thuyết trọng tâm của Diwali đến từ sử thi Hindu, Ramayana được kể lại như trên phần lịch sử.
Một số người theo đạo Hindu ở miền nam Ấn Độ ăn mừng việc Krishna đánh bại Narakasura, dẫn đến việc giải cứu 16.000 cô gái bị quỷ dữ giam cầm. Ở miền Tây Ấn Độ, lễ hội Diwali kỷ niệm ngày thần Vishnu trục xuất quỷ vương Bali cai trị thế giới ngầm.
Người Sikh kỷ niệm dịp này với tên gọi “Bandi Chhor Divas” (Ngày Giải phóng), đánh dấu ngày Guru Hargobind, đạo sư thứ sáu và 52 vị vua Hindu được giải thoát khỏi sự giam cầm oan trái. Hoàng đế Mughal Jahangir ban đầu chỉ đồng ý thả Guru Hargobind, nhưng đạo sư từ chối đi mà không có nhà vua. Sau khi Jahangir tuyên bố rằng những ai có thể giữ áo choàng của đạo sư mới được rời đi, Guru Hargobind đã buộc 52 chiếc tua vào áo choàng của mình để mỗi người cai trị có thể được thả tự do.
Đối với đạo Jain, Diwali là ngày Mahavira, nhà lãnh đạo tinh thần cuối cùng của họ, đã chết về thể xác và đạt được giác ngộ. Một số Phật tử thừa nhận Diwali là ngày hoàng đế Ashoka đón nhận Phật giáo.
3.2 Diwali được tổ chức như thế nào?
Ngoài những truyền thống phổ biến về trang trí nhà cửa, đốt pháo và thưởng thức những món ăn ngon, lễ hội Diwali còn được tổ chức bằng nhiều cách khác. Ở một số vùng của Ấn Độ, người ta chơi các trò chơi bài như teen patti, blackjack và poker. Đánh bạc trong dịp lễ được coi là tốt lành, bắt nguồn từ một truyền thuyết trong đó thần Shiva và người phối ngẫu Parvati chơi một trò chơi xúc xắc. Diwali cũng đánh dấu sự khởi đầu năm mới của người theo đạo Hindu, nhiều doanh nghiệp, người buôn bán sẽ mở sổ tài khoản mới trong kỳ nghỉ lễ.
Thêm vào đó, việc trao đổi những món quà chân thành trong những ngày lễ Diwali đã trở thành một phần bắt buộc của lễ kỷ niệm. Bạn bè, gia đình và đồng nghiệp chia sẻ với nhau những món quà như một cử chỉ thể hiện tình yêu thương và tình cảm. Ngoài ra, theo kinh nghiệm du lịch, bữa tiệc đặc biệt và hoành tráng với những món ăn ngon thường gồm nhiều loại đồ ngọt khác nhau cũng là điểm thu hút đặc biệt của dịp này.
4. Lưu ý khi tham gia lễ hội Diwali
Tôn trọng văn hóa và tín ngưỡng người dân bản địa: Lễ hội ánh sáng Diwali có ý nghĩa tôn giáo và văn hóa vô cùng sâu sắc. Thế nên, bạn cần tuận theo các quy tắc, tập tục và tín ngưỡng của người dân địa phương, để thể hiện sự tôn trọng cũng như có được những trải nghiệm ý nghĩa hơn.
Đảm bảo quy định an toàn: Lễ hội Diwali nổi tiếng với những ngọn nến và đèn được thắp sáng. Khi châm đèn bạn phải lưu ý tuân thủ theo các quy định về an toàn, tránh châm đèn gần vật dụng dễ cháy, giữ khoảng cách an toàn cũng như tắt chúng đi nếu bạn không còn ở gần nữa. Đây cũng là cách để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh cũng như bản thân.
Trang phục truyền thống: Bạn có thể mặc trang phục truyền thống để tận hưởng dịp lễ Diwali, vừa thể hiện sự tôn trọng, vừa có thể tham gia trọn vẹn lễ hội.